Ông Già Ðồ Chơi

Ông già Ðồ Chơi là một ông già đen thui, ốm nhom, dơ hầy và chịu chơi. Ông đeo một cái bị đựng toàn đồ chơi con nít, tới trước cổng trường, ông đặt cái bị xuống đất mở ra. Cái bị trở thành tấm nylon trải trên lề đường, bày bán các thứ búp bê, chó mèo, kèn, ô tô, hoa quả bằng nhựa đủ màu. Rồi ông ngồi xếp bằng rút trong túi áo bà ba đen ra một ống sáo đen bóng, bắt đầu thổi. Ân cùng với bé Loan, đôi khi có cả thằng Hoài, vừa đi vừa vung tay nhún chân theo điệu nhạc mà tiết tấu mỗi lúc một nhanh, thúc giục chúng phải chạy a đến, ngồi sà xuống quanh tấm nylon. Thằng Hoài thì hau háu xem có thêm món đồ chơi mới nào không. Bé Loan thì vuốt ve nựng nịu mấy con búp bê mà nó đặt tên là: Cà Na, Xí Muội, Ô Mai, Sô cô la. Còn Ân thì giành chỗ ngồi gần ông già nhất và gióng cổ nghe ông thổi sáo.
-Ông ơi sao con vịt này khônng kêu?
Con nhỏ nào đó cứ mân mê con vịt màu vàng mỏ đỏ, chợt hỏi một câu ngớ ngẩn. Ông già ngừng thổi sáo, với tay cầm con vịt bóp thật mạnh mấy cái, con vịt kêu lên "kép! kép!". Con nhỏ phì cười. Ông già cũng cười.
-Mua đi cháu, một ngàn hai trăm đồng.
Con nhỏ móc túi ra đếm tiền:
-Chín trăm đồng thôi nhha.
Ông già lắc đầu:
-Ông lấy vốn đã là một ngàn rồi đó.
Mặt mày con nhỏ bí xị. Nó phụng phịu, ỉ ôi:
-Bán cho cháu nha ông! Cháu còn có chín trăm hà.
Ông già Ðồ Chơi nhìn con nhỏ với đôi mắt trìu mến, mỉm cười:
-Ừ, cầm đi.
Rồi ông lại cầm ống sáo lên thổi tiếp. Hôm nào đông con nít bu lại mua cái này, đổi cái kia, Ân bực lắm nhưng rồi nó lại vui ngay theo tiếng sáo mà ông già hình như tranh thủ từng lúc thổi để vỗ về riêng nó. Những hôm ế ẩm tiếng sáo buồn buồn, Ân nghe mê mẩn và không hiểu tại sao hôm đó nó tha thẩn về nhà, không cười không nói. Mẹ nó hỏi:
-Sao con buồn vậy?
Ân giật mình ngơ ngác:
-Ðâu có. Con có buồn gì đâu?
Mẹ Ân không gạn hỏi gì thêm, chắc bà nghĩ: "Ờ con nít biết gì mà buồn".
Ngày nào cũng vậy, Ân đi học sớm. Nó cứ nấn ná bên ông già Ðồ Chơi. Có khi buổi chiều Ân cũng chạy ra trường để nghe thổi sáo. Khi lớp học cuối cùng tan ông già không thổi sáo nữa mà chăm chú dò vé số. Chẳng là ngày nào cũng có một ông mù bán vé số đi ngang và nài nỉ ông già Ðồ Chơi mua một hai tấm.
Chiều thứ tư, Ân với bọn thằng Hoài đi thả diều. Trời nhá nhem tối chúng thu diều lon ton ra về, Ân rủ Hoài đi vòng ngang qua trường, biết đâu ông già Ðồ Chơi còn đó. Ðôi khi học trò về hết, ông vẫn ngồi một mình giữa đám đồ chơi mà thổi sáo.
-Ủa sao con Hạnh còn đứng đó kìa?
Hoài kéo tay Ân chạy tới bên Hạnh, em gái nó, học lớp hai buổi chiều. Con nhỏ đang ôm một con búp bê hồng, con lớn nhất và đẹp nhất - con Xí Muội, theo tên gọi của bé Loan. Hai đứa nhỏ khác mỗi đứa cầm một món đồ chơi đang so bì với con búp bê của Hạnh. Hoài hấp tấp hỏi giật:
-Ê Hạnh! Tiền đâu mày mua búp bê? Chôm tiền má phải hông? Tao mét!
-Xì!
Hạnh nghênh mặt, dẫu môi dài ra:
-Ông già Ðồ Chơi cho em chứ bộ.
-Ông cho mày? - Cả Hoài lẫn Ân trợn mắt, đồng thanh hỏi lại.
Chứ sao? Ðứa nào xin cái gì ổng cho cái nấy.
Ân nhìn quanh quất:
-Ông đâu rồi? Hạnh ôm chặt búp bê vào lòng, cười đắc chí:
-Ổng đi lãnh tiền trúng số rồi.
-Cái gì?
Cả Hoài lẫn Ân đều chụp vai Hạnh lắc lấy lắc để, hỏi dồn:
-Ông già Ðồ Chơi trúng số hả?
-Ai xin gì ổng cho cái nấy hả?
-Ê, Ân, đi kiếm ổng xin trái banh đá chơi!
-Ổng cho hết rồi, không còn gì để phần anh đâu.
Hoài khựng lại, Ân băn khoăn:
-Ổng cho ai ống sáo chưa?
-Ơ - Hổng biết. Ðâu có ai xin ống sáo của ổng.
Ân khấp khởi mừng. Nhưng nó lại lo: Chắc gì ông già Ðồ Chơi chịu cho ai ống sáo? Mà trúng số rồi chắc gì ổng còn đi bán đồ chơi? Không biết ông già có còn thổi sáo không nữa - Một núi câu hỏi mọc lên trong đầu Ân. Suốt ngày thứ năm nghỉ học, Ân cứ lượn qua lượn lại trước cổng trường. Dẫu biết thứ năm ông già Ðồ Chơi nghỉ bán, nó vẫn đứng ở cổng trường ngong ngóng. Xế chiều không thể kiên nhẫn hơn Ân đi kiếm nhà ông già.
Có lần nó lẽo đẽo theo ông đến tận đầu hẻm. Ân còn nhớ cái hẻm đó, nhưng không biết nhà nào.
Ông già Ðồ Chơi hả? Kìa!
Hóa ra ông già cũng nổi tiếng, mới nói tên là có người biết liền. Nhưng sao kỳ vậy? Trong chái nhà tối tăm, ông già ngồi xếp bằng trên chiếc giường ọp ẹp, thổi một điệu nhạc gì nghe ảo não buồn hiu. Ân thập thò ở cửa, không dám vào. Tiếng sáo này nghe sao lạ quá, như một làn sương lạnh, làm cho mọi thứ quanh ông, kể cả Ân thành xa xôi cách biệt. Bỗng nhìn thấy Ân, ông dừng thổi. Ân rụt rè bước tới.
-Hết đồ chơi rồi.
Tiếng nói trầm trầm của ông vang lên trong căn nhà trống vắng và âm u. Ân chẳng biết nói sao. Bỗng nhiên, đầu nó chợt nảy ra một câu hỏi ngớ ngẩn:
-Ông trúng số hả ông?
-Ừ, nhưng giả.
-Giả?
-Ðại lý vé số nói vé giả.
-Nhưng không lẽ ông mù bán vé giả cho ông?
-Chắc ông ta không biết vé giả. Ông mù mà.
-Sao đại lý biết?
-Họ chuyên đổi vé, họ biết.
Vậy là ông già Ðồ Chơi chẳng được trúng số, mà lại cho hết đồ chơi rồi! Tình huống này, lẽ nào Ân mở miệng xin luôn ống sáo? Nó đành tiu nghỉu đi về. Ông già lại một mình thổi sáo. Tiếng sáo ngân nga níu Ân lại. Nó đứng vớ vẩn dưới hiên nhà bên cạnh lắng nghe.
-Tội nghiệp ông già.
-Mình tội nghiệp ổng rồi ai tội nghiệp mình?
Ân nhón gót nhìn qua cửa sổ, thấy một người đàn bà và một ông còn trẻ nói chuyện. Người đàn ông nói tiếp:
-Mình cũng làm ơn cho ỗng ở đậu mười mấy năm nay rồi.
-Hay ta cứ bán đằng trước, chừa hai ba mét phía sau cho ổng.
-Cái gì? Ðất đai bây giờ mỗi mét là cả cây!
Ân không hiểu câu chuyện, nó ra về rồi quên đi.
Tin tức đã lan truyền khắp trường rằng Ông già Ðồ Chơi cho bé Hạnh con búp bê đẹp nhất, rằng thằng Ninh xin được của ông già Ðồ Chơi nguyên bộ kèn trống bằng cao su, rằng ai xin gì ông cho nấy, rằng ông trúng số thành triệu phú, rằng ông già Ðồ Chơi không phải triệu phú mà là ông già Noel giả dạng đó! Bọn trẻ cứ tụ tập từng nhóm ở cổng trường chờ ông già Ðồ Chơi tới để xin các thứ đồ chơi mà trẻ con có thể nhớ ra hay nghĩ ra. Vậy mà thứ sáu, thứ bảy, không thấy ông già Ðồ Chơi ở cổng trường. Bé Loan là người đau khổ nhất. Nó học buổi sáng và không biết chiều hôm ấy, lũ Cà Na, Bòn Bon, Sô Cô La của nó bị cho những ai rồi. Nó suýt bật khóc lên khi thấy bé Hạnh ôm con Xí Muội. Nó nằng nặc đòi:
-Ði, đi anh Ân! Tới nhà ông già Ðồ Chơi xin con Cà Na cho em!
Ân đành chìu em. Thằng Hoài cũng đi theo. Ba đứa xâm xâm đi vào hẻm. Ô hay? Mới hôm kia, nhà ông già Ðồ Chơi ở chỗ này mà. Bây giờ sao tôn lá ngổn ngang? Ông già Ðồ Chơi đâu rồi? Ai biết?
Ðộ một tuần sau, thằng Hoài đi đá banh về, chạy a vô nhà Ân thì thầm:
-Tao gặp ông già Ðồ Chơi!
-Ở đâu?
-Gần rạp chiếu bóng. Ổng thổi sáo xin tiền.
-Ừ, ổng cho hết đồ chơi rồi mà.
-Tội nghiệp lắm! Tao không thấy ai cho tiền ổng hết.
Ân mò túi áo túi quần:
-Tao còn hai trăm nè. Tụi mình đem cho ổng đi.
Hai đứa ra tới rạp hát, chúng đi kiếm loanh quanh gần tối mới gặp ông đang chậm rãi trải tấm nylon dưới hiên cửa hàng bách hóa đã đóng cửa. Ông ngồi im giữa tấm nylon trống hươ trống hoác.
-Ông già Ðồ Chơi hết đồ chơi rồi.
-Ông cũng không còn nhà nữa..
-Hay mình cho ổng ở đậu nhà mình.
-Ba má mày chịu không?
Cả hai đứa không trả lời được câu này. Hôm sau, Hoài, Ân, Loan, Hạnh và mấy đứa hàng xóm chụm đầu lại bàn bạc. Rồi chúng biến đi đâu mất suốt sáng chủ nhật. Chiều, trời nổi mưa giông. Vậy mà bọn trẻ lại nhong nhong chạy ra đường. Ân dẫn đầu, Hoài, Hạnh, Dung, Phương, Tuấn, hàng một chạy theo như chơi rồng rắn. Tới cửa hàng bách hóa, chúng xúm quanh ông già Ðồ Chơi đang ngồi im lìm mặc mưa gió tạt vào, tiếng sáo èo uột đứt hơi tan loãng trong mưa.
-Ông ơi về nhà mau!
-Ði ông! Mưa lớn rồi.
-Về nhà đi ông.
Chúng hè nhau kéo ông già dậy, lấy tấm nylon che trên đầu tùm hụp, lụi xụi dắt díu nhau vừa đi vừa chạy, quanh co một hồi tới sau hè nhà Ân: Chỗ này ba bốn căn nhà đâu đít lại, lõm đất chính giữa xưa nay bọn trẻ chưa nghe ai giành là của mình. Tụi nó đại diện cho mỗi nhà bàn bạc kỹ, Ân xích chuồng gà nhà mình vô một chút, Hoài hốt đống xà bần của nhà mình để ra đằng trước, Phượng nhổ bỏ mấy cây ớt nhà nó trồng, Tuấn lấy trong bếp má nó mầy tấm cạc tông cũ. Loay hoay cả buổi đám con nít đã dựng được một cái chòi đúng nghĩa chòi trong trò chơi nhà chòi. Bọn trẻ đẩy ông vô chòi, Hạnh đặt búp bê trước mặt ông, Tuấn đặt chùm quả nhựa bên cạnh, Ninh bày tiếp bộ kèn trống cao su. Chúng ân cần nói với ông già Ðồ Chơi:
-Nhà ông đây, đồ chơi của ông đây. Mai ông ra cổng trường thổi sáo, bán đồ chơi nữa nghen.
Ông già ngước mắt nhìn mấy đứa nhỏ. Trong mưa giông mịt mùng, ông thấy những vầng hào quang chín màu lóng lánh.
Lý Lan

 

Xem Truyện Khác